Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

X30

X30 là một siêu điệp viên. Gã chưa từng thất bại phi vụ nào. Lần này, gã được phái đến nước láng giềng. Nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản: chụp ảnh khu vực nghi có kho vũ khí lớn của địch. Thế mà, chỉ huy của gã cứ kiểm tra đi, kiểm tra lại phương án tình báo. Trước khi gã lên đường, ông ta còn căn dặn: "Dân nước đó cảnh giác lắm! Phải hoà đồng để lấy lòng họ, thì mới khó bị phát hiện. Cẩn thận nhé!"

Ngồi trên máy bay, X30 ôn lại kế hoạch tác chiến. Khu vực nghi có dấu vũ khí của địch nằm trong một thung lũng. Xung quanh toàn núi cao hiểm trở, không ai leo lên được. Ngoài con đường độc đạo chạy thẳng vào đó, chỉ có một ngôi làng ráp ranh và bị ngăn cách với khu quân sự bởi một khu rừng. Theo tài liệu gã thu thập được, có nhiều loài chim di cư bay đến đây vào dịp đầu năm. Gã sẽ đóng giả là chuyên gia của một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế để tiếp cận khu vực quân sự. Nhưng trước hết, gã phải xin được giấy phép vào rừng chụp ảnh của cơ quan văn hoá nước sở tại. Có người bảo gã rằng, xin các loại giấy phép ở đây phức tạp lắm.

Xuống máy bay, gã thuê một phiên dịch bản địa và đi thẳng đến cơ quan văn hoá. Đại diện cơ quan văn hoá tiếp X30 là một người đàn ông có thái độ nhã nhặn của một công chức lâu năm. Ông ta nhận tập giấy tờ từ tay gã. Sau khi xem xét không chút nghi ngờ, vị công chức này nói: "Hồ sơ xin chụp ảnh chim của ngài đã đầy đủ, chỉ cần chờ cấp phép thôi. Bây giờ, cũng đã gần trưa, mời ngài đi ăn với chúng tôi!" Gã định từ chối, nhưng người phiên dịch bảo gã nên nhận lời, vì tập quán ở đây nó thế. X30 nghĩ cũng phải, mình đang xin cấp phép, không nên làm mếch lòng cơ quan quản lý.

Không chỉ có người nhận hồ sơ ăn trưa cùng gã, mà những mười người. Tiệc rượu bày ra linh đình như tiếp nguyên thủ quốc gia. Ăn xong, mười mấy người đi hát karaoke, rồi xông hơi, mát xa, ăn tối và cuối cùng là quầy bar. Gã không thể từ chối được sự nhiệt tình mời mọc của chủ nhà. Đêm khuya, về tới khách sạn, gã không còn biết gì nữa. Sáng hôm sau, đầu đau như búa bổ, gã và người phiên dịch vẫn cố lê bước tới cơ quan văn hoá. Tới nơi, người tiếp nhận hồ sơ thông báo, đơn xin cấp phép của gã đã được chấp thuận nguyên tắc. Tuy nhiên, cần một vài giấy phép con nữa, mới chính thức được thông qua. Ông ta giải thích: "Nước tôi đang áp dụng chính sách "một cửa". Nghĩa là làm thủ tục chỉ cần đến một nơi, mọi việc còn lại do cơ quan tiếp nhận đầu tiên thu xếp." Gã nghĩ, thủ tục hành chính của nước này văn minh thật! Phải vả vỡ mồm thằng nào nói với mình là "phức tạp" mới được! Ông công chức kia bảo gã, cứ chờ thêm một vài hôm. Rồi, ông ấy lại mời gã đi ăn trưa. Không tiện từ chối và cũng chẳng có việc gì ngoài chờ đợi, nên gã nhận lời. Lại một đội hình khác tiếp X30. Gã thấy lạ, gã chỉ là một chuyên gia nước ngoài xin chụp ảnh chim, sao họ đón tiếp nồng nhiệt thế. Hay bị lộ rồi cũng nên?

Đến sáng ngày thứ ba, gã hỏi thẳng người tiếp nhận hồ sơ: "Thưa ngài, bao giờ tôi mới được cấp phép chụp ảnh chim?" Ông ta trả lời: "Phiền ngài đợi thêm ít bữa. Chúng tôi đã xin được phê duyệt của cơ quan kiểm lâm và biên phòng rồi, chỉ còn bên quản lý giao thông, quản lý người nước ngoài, hội nuôi chim, hội nhiếp ảnh, hiệp hội vệ sinh an toàn thực phẩm... nữa là đủ thôi ạ. Trong khi chờ đợi, chúng tôi xin được thù tiếp ngài như ngày đầu tiên." Gã ngạc nhiên hỏi: "Tôi chỉ là một người bình thường, tại sao các ngài lại đón tiếp tôi chu đáo thế?" Ông kia nhẹ nhàng giải thích: "Thưa ngài! Chả là, cơ quan chúng tôi chưa tiêu hết tiền tiếp khách. Cuối năm rồi, không sử dụng hết, sang năm chúng tôi sẽ bị cắt giảm ngân sách chi tiêu. Quy định của nước tôi, tiếp khách nước ngoài tiêu chuẩn gấp mười lần khách trong nước. Cho nên, ngài chính là ân nhân của cơ quan chúng tôi đấy ạ!". Giờ thì X30 đã hiểu vấn đề, đất nước này thật hiếu khách, có cả chính sách riêng cho khách nước ngoài nữa cơ đấy. Nhưng đúng là họ cảnh giác thật, có mỗi cái giấy phép chụp ảnh chim, mà bao nhiêu cơ quan đoàn thể tham gia phê duyệt. Gã đành phải đợi. Tổng hành dinh liên tục giục giã, vì chiến dịch quân sự sắp bắt đầu. Còn gã, ngày nào cũng được cơ quan văn hoá tận tình tiếp đãi.

Cuối cùng, X30 cũng nhận được giấy phép chụp ảnh chim sau ba tuần chờ đợi. Cơ quan văn hoá trao giấy phép cho gã vào cuối giờ chiều. Thế là, lại có một buổi chiêu đãi hoành tráng nữa được tổ chức để chia tay gã. Sáng sớm hôm sau, gã và người phiên dịch tức tốc lên đường. X30 đến làng lúc chiều muộn. Gã phải vào làng để xin chữ ký của Xã trưởng trước khi vào rừng chụp ảnh chim, giấy phép của gã ghi rõ như thế. Cơ quan văn hoá bảo gã không phải lo lắng gì, nhìn thấy giấy phép là Xã trưởng ký ngay. Quả là, đất nước này có hệ thống hành chính rõ ràng và tỉ mỉ. Gã thầm nghĩ: "Chà, mình sắp hoàn thành nhiệm vụ rồi!"

Đến cổng làng, X30 thấy có mấy người đứng gác. Người phiên dịch bảo gã, họ là dân phòng làng. Gã đưa giấy tờ cho mấy anh dân phòng kiểm tra và đề nghị được gặp Xã trưởng để xin chữ ký. Mấy anh dân phòng thảo luận mười mấy phút. X30 toát mồ hôi, hay bị lộ? Lát sau, một anh - có lẽ là đội trưởng tiến lại chỗ gã: "Thưa ngài! Hôm nay là sinh nhật Già làng chúng tôi. Theo tục lệ bốn ngàn năm nay, hễ sinh nhật Già làng, bất kỳ ai đến đây đều là khách của Già làng. Đã là khách của Già làng thì ngoài dự sinh nhật, không được làm việc gì khác. Phép vua thua lệ làng. Vậy nên, xin mời ngài theo chúng tôi đến dự sinh nhật Già làng trước, rồi chúng tôi sẽ đưa ngài đi gặp Xã trưởng sau." Qua người phiên dịch, gã hiểu rằng, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghe lời người dân phòng. Vả lại, chỉ huy của gã đã dặn, phải hoà đồng với dân ở đây, thì công việc mới thuận lợi. Chỉ một buổi sinh nhật, có gì to tát đâu! Gã ngoan ngoãn đi theo anh dân phòng.

Già làng là một ông lão quắc thước, râu tóc bạc phơ. Ông ra tận cửa, niềm nở đón X30 vào nhà, luôn miệng nói: "Khách quý! Khách quý!" Gã được xếp vào ngồi ở vị trí trang trọng gần Già làng và đối diện một người mặc com lê, mà về sau gã mới biết chính là Xã trưởng. Người dân phòng đưa cho Xã trưởng giấy tờ của gã, rồi quay lại cổng làng. Đến giờ vào tiệc, Già làng phát biểu tràng giang đại hải bằng tiếng dân tộc, người phiên dịch không hiểu từ nào. Thế rồi, nhạc nổi lên và mọi người bắt đầu uống. X30 tợp thử một ngụm. Khà! Rượu này được nấu bằng men lá, không nặng lắm, khoảng ba mươi độ. Gã có tửu lượng cực kỳ tốt và được rèn giũa nhiều năm, nên không ngán loại rượu này. Cơ mà, lễ hội ở đây, người ta uống rượu bằng bát, nên lượng cồn vào người cũng khá. Dân làng uống ghê lắm! Liên tục trong mấy tiếng, tất cả uống đều như vắt chanh. Cứ Già làng nâng bát là tất cả "đồng khởi". Tiệc tan, gã được Già làng bố trí ngủ lại ở phòng dành cho khách. Gã say lắm, nên cũng chỉ nhớ láng máng lúc về phòng.

Sáng hôm sau, dù rất mệt, nhưng gã vẫn gắng dậy sớm để đi gặp Xã trưởng. Vừa ra khỏi phòng ngủ, X30 đã thấy Già làng ngồi đợi gã. Lúc ấy, gã mới biết, tiệc rượu tối qua chỉ là màn khởi động. Theo phong tục ở đây, tiệc sinh nhật Già làng kéo dài năm ngày năm đêm liền. Thế là, từ sáng đến đêm, gã lại nốc không biết cơ man nào là rượu. Uống như thế, sức voi cũng không chịu được. Sau năm ngày, gã ốm liệt giường.

Ba ngày sau, nhờ phương thuốc bí truyền của Già làng, X30 khoẻ lại. Gã liền tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đi gặp Xã trưởng. Nhưng, đời không như là mơ. Hoá ra, hôm đó là ngày đầu tiên của Lễ hội năm mới. Theo tục lệ của làng, những ngày này không ai làm việc, mọi người chỉ tập trung vui chơi giải trí để mong cầu một năm mới may mắn. Mà hoạt động vui chơi giải trí ở vùng này chủ yếu là uống rượu. Lễ hội kéo dài bẩy ngày bẩy đêm. Ngày nào, X30 cũng uống rượu với Xã trưởng, nhưng gã không thể nói chuyện công việc được. Cứ mỗi lần gã ngỏ ý xin chữ ký Xã trưởng, ông ta đều xua tay và nhắc gã, việc đó phải làm ở trụ sở xã mới đúng quy trình. Gã nghĩ cũng phải, đất nước này làm việc thật là quy củ! Gã không còn cách nào khác, ngoài việc chờ cho Lễ hội qua đi. Nhưng cơ mà, hết Lễ hội năm mới, lại đến Hội chọi trâu. Hội này cũng đã có truyền thống mấy trăm năm. Hội kéo dài ba ngày để thi trâu và ba ngày để ăn thịt những con trâu thi trượt. Gã lại phải uống thêm sáu ngày nữa. Uống thì uống, nhưng X30 vẫn nhớ việc lắm. Gã đã dò hỏi, ngày kế tiếp Hội chọi trâu không có lễ hội gì sất. Gã chắc mẩm sẽ gặp được Xã trưởng.

Dậy từ sáng sớm, gã mò sang trụ sở xã. Trên đường đi, gã thấy Xã trưởng đang ngồi ăn sáng ven đường. Xã trưởng vẫy gã: "Vào đây! Chào buổi sáng cái đã!". Người phiên dịch giải thích, vùng này có phong tục "Chào buổi sáng", nghĩa là làm vài ly rượu trong lúc ăn sáng. Gã nghĩ, phải hoà đồng chứ, hơn nữa đang nhờ vả người ta, không vào không xong. Trong mâm lúc đó chỉ có Xã trưởng và một tay cán bộ địa chính xã. Xã trưởng bảo: "Quê tôi có tập tục, uống rượu phải từ bốn người trở lên, ít hơn không được uống. May mà gặp hai ông, nếu không chúng tôi chết khát mất." Gã nghĩ, làng này không chỉ uống rượu giỏi, mà còn có văn hoá uống rượu. Thật đáng nể!

Gã vừa ngồi xuống, Xã trưởng đã nâng ly mời: "Ông là khách quý từ phương xa. Nói về lý, tôi là quan ở đây phải có một bữa rượu tẩy trần đón khách. Song, do lễ hội liên miên, chưa có dịp thu xếp. Tôi xin kính ông ba ly thay cho lời tạ lỗi!" Nhìn thấy cái ly rượu bé tí, X30 vui vẻ nhận lời. Gã thầm nghĩ, ba ly này thì nhằm nhò gì, mấy tuần qua mình toàn uống bằng bát. Nhưng gã nhầm to, rượu lễ hội ba mươi độ, còn rượu ngoài quán xuýt soát sáu mươi độ. Đây là loại rượu nổi tiếng của làng, chuyên dành cho quan chức tiếp khách, được gọi là Tên lửa. Nó ngấm nhanh như tên lửa siêu vượt âm, mới làm xong ba ly, X30 đã cảm thấy rạo rực. Tiếp đến, tay cán bộ địa chính xã cũng chúc gã ba ly. Rồi sau đó, theo tập quán của làng, tất cả "đồng khởi" ba ly nữa. X30 bắt đầu thấy choáng váng, nhưng gã vẫn trụ được. Đột nhiên, có hai người sà vào bàn nhậu, chào Xã trưởng. Ôi thôi! Đó là hai ông Xã phó. Nghe nói Xã trưởng đang ngồi ăn sáng, sợ không đủ bốn người, nên hai ông tức tốc phi đến phục vụ lãnh đạo. Mỗi ông Xã phó lại mời gã ba ly. Tóm lại, sau gần một tiếng đồng hồ, X30 đã nốc khoảng hai mươi ly rượu nặng. Thỉnh thoảng, lại có người ở mấy bàn bên cạnh sang chúc tụng. X30 giỏi rượu thật, nhưng kiểu "xa luân chiến thế này" quả là quá sức chịu đựng của gã. Gã cố ngồi thêm hai tiếng nữa, thì gục hẳn. Mọi người khiêng gã về nhà Già làng. Đến tận tối muộn, gã mới tỉnh.

Đặt chân đến đất nước này hơn tháng trời, X30 vẫn chưa tiếp cận được khu rừng. Chỉ huy của gã sốt ruột lắm! Quân đội đã áp sát biên giới, nhưng không thể tấn công, vì thiếu thông tin tình báo. Gã kiên quyết sang trụ sở xã cho bằng được. Gã đổi chiến thuật, không đi sớm nữa để tránh giờ ăn sáng. X30 đến trụ sở xã lúc mười giờ. Những tưởng được gặp Xã trưởng để xin chữ ký, nhưng không may cho hắn, hôm đó là sinh nhật ông cán bộ văn hoá xã. Các phòng ban trong xã lũ lượt đến phòng làm việc của ông này chúc mừng. X30 đi theo đám người đó, vì thấy thấp thoáng bóng dáng Xã trưởng. Xã trưởng trông thấy gã liền bảo: "Làm mấy ly đã! Hôm nay là sinh nhật lính tôi, ta phải uống mừng. Tôi biết công việc của ông rồi. Đi đâu mà vội, lũ chim vẫn ở đấy, chứ chưa bay đi ngay đâu!" Không còn cách nào khác, gã lại hoà mình vào sinh nhật. Đến trưa, xã tổ chức liên hoan mừng sinh nhật ở quán ăn ngay kế bên trụ sở. Uống xong, mọi người cùng nhau hát karaoke đến chiều tối, rồi ai về nhà nấy.

Hết ngày này, qua ngày khác, thấm thoát đã mấy tháng, X30 vẫn chưa xin được chữ ký Xã trưởng. Nhưng gã đã hoà nhập sâu sắc với cuộc sống của dân làng, đúng như lời chỉ huy dặn trước lúc đi làm nhiệm vụ. Chẳng ai nghi ngờ gã là gián điệp. Gã nghĩ, sao lại có một đất nước và con người tuyệt vời đến thế! Vừa hiếu khách, vừa vui vẻ, lễ hội quanh năm suốt tháng,... chưa từng thấy bất cứ hành động thù địch nào. Quan chức cẩn thận, làm việc đúng quy trình, trọng thị đối tác... Người dân không quan tâm chiến tranh, kinh tế,... họ sống lạc quan yêu đời. Nước thế này là thiên đường mới phải chứ! Nếu các tổ chức quốc tế đến đây đánh giá chỉ số hạnh phúc, nước này cứ gọi là nhất thế giới. X30 cảm thán, gã không muốn đất nước tươi đẹp này lâm vào cảnh chiến tranh. Vả lại, chim di cư cũng đã bay đi hết rồi, muốn chụp ảnh phải chờ đến sang năm cơ. Gã viết báo cáo về tổng hành dinh, mô tả lại quá trình tiếp cận mục tiêu và đề xuất với chỉ huy: "Chúng ta không cần gây hấn với đất nước thân thiện này!"

Sau mấy tháng uống liên tục, mở mắt ra, X30 bắt đầu cảm thấy thèm rượu. Gửi xong báo cáo, gã lập tức rủ Già làng, Xã trưởng và người phiên dịch ra quán thịt chó đầu làng, làm mấy ly cho mát ruột. Gã đã thấm nhuần văn hoá rượu ở đây, phải đủ bốn người mới được uống.

                                                                   HN, 10/12/2024
                                                                            N.K.H.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

BẤT KHẢ KHÁNG

Kháng nâng ly rượu lên. Nhớ lời mẹ dặn, hắn định đặt xuống, nhưng lại tặc lưỡi: "Uống nốt hôm nay thôi!"

Kháng sinh ra ở vùng đồng bằng ven biển. Nơi hắn sống là vựa lúa của đất nước, nhà nào cũng thừa gạo để ăn, nên phong trào nấu rượu ở đây cao lắm. Làng của hắn nổi tiếng sản sinh ra nhiều loại rượu ngon, hầu như nhà nào cũng có lò nấu rượu riêng của mình. Trẻ con cũng tham gia nấu rượu, rồi được các ông bố cho nếm rượu từ bé. Hàng năm, dân làng còn tổ chức lễ hội rượu kéo dài cả tháng. Những lúc nông nhàn, người ta uống rượu từ sáng sớm đến tối mịt. Bố Kháng uống rượu khoẻ nhất làng. Lúc sinh thời, mỗi bữa ông phải xơi được cả lít rượu nặng chứ chẳng chơi.

Hậu quả của việc uống rượu, ai mà chả biết. Đàn ông trong làng lũ lượt ra đi khi tuổi còn khá trẻ. Bố Kháng không phải là ngoại lệ. Ông mất khi chưa đến sáu mươi. Thế cũng là thọ so với số rượu ông từng nốc. Có lần, cơ quan tỉnh về thống kê tuổi thọ của dân làng hắn, đàn ông bình quân chỉ sống được năm lăm tuổi mà thôi. Sau giỗ đầu bố Kháng, mẹ gọi hắn đến và bảo: "Con phải đi khỏi làng thôi! Nhớ tránh xa rượu! Nhìn gương bố con ấy, bệnh tật đầy mình, chẳng sống được bao lâu!" Nghe lời mẹ, hắn lên thành phố học đại học và không quay về làng nữa.

Vào đại học, Kháng quyết tâm không uống rượu. Nhưng cái gen bẩm sinh và môi trường sinh viên không cho phép hắn không uống. Ở nội trú, thường xuyên có sinh nhật, rồi lễ nọ lạt kia, nếu không uống rượu thì làm sao hoà nhập cùng anh em bạn bè cơ chứ! Trong khi, Kháng lại làm bí thư chi đoàn từ năm thứ nhất, thì tránh sao được. Hắn học không giỏi lắm, nhưng rất tích cực tham gia các phong trào. Mà đã là phong trào, chắc chắn phải có rượu. Kháng còn là đội trưởng đội bóng đá của trường nữa. Hắn tặc lưỡi: "Thôi, đành phải uống rượu đến hết đại học vậy!"

Ra trường, ông trời run rủi đưa Kháng vào làm việc ở một công ty rượu quốc doanh to nhất thành phố. Hắn đã cố không uống rượu. Đầu tiên, hắn chỉ làm nhân viên văn phòng quèn. Thực ra, về công việc, chân này không phải uống rượu. Thế cơ mà, muốn giao lưu với đồng nghiệp, với cấp trên thì vẫn phải uống. Không uống, làm sao được cấp trên yêu quý, anh em nể phục. Hơn nữa, nội dung các bữa rượu nội bộ công ty lại chủ yếu là nói xấu bọn không có mặt. Có mặt trong bữa rượu thì chả ai nhắc tới, thời lượng chính của cuộc nhậu là dành cho những người vắng mặt. Nào thì thằng nọ không chịu hoà đồng, hay con kia kênh kiệu... Thế là, Kháng hiện nguyên hình là một tay uống rượu thần sầu. Trong các cuộc rượu nội bộ hay tiếp khách, hắn đều tích cực "đỡ" rượu cho các sếp. Với tư chất thông minh, lại hay đọc sách, Kháng có biệt tài "đọc vị bất kỳ ai". Hắn rất nhanh hiểu ý các sếp. Các sếp chưa kịp chìa ly ra, thì hắn đã cầm chai rót; các sếp chưa cần làm dấu, thì hắn đã nhảy bổ ra chúc rượu đối tác rồi... Các sếp quý Kháng lắm!

Dần dần, hắn thăng tiến. Kháng được các sếp bổ nhiệm làm trưởng một phòng marketing, phụ trách toàn bộ thị trường phía Bắc thành phố. Đến lúc này, khả năng uống rượu của Kháng được phát huy tối đa. Kháng "hạ nhục" không biết bao nhiêu thằng giỏi rượu ở cái thành phố này. Không ai không biết đến biệt danh "Kháng Rượu". Hắn thu phục hầu hết các khách hàng bằng rượu. Thậm chí, Kháng vô địch năm năm liền cuộc thi uống rượu thường niên do công ty rượu tổ chức. Về sau, người ta không bao giờ cho hắn tham gia cuộc thi này nữa. Mấy năm sau, Kháng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì những cuộc rượu kéo dài. Thế rồi, hắn lấy vợ. Đêm tân hôn, cầm ly rượu trên tay, Kháng nghĩ vợ và đứa con sắp sinh sau này sẽ ra sao, nếu mình bệnh tật. Kháng tặc lưỡi: "Mình sẽ chuyển việc, lúc đó sẽ không uống nữa!"

Một thời gian sau, Kháng nghỉ làm ở công ty rượu. Vợ chồng hắn bán hàng online. Kháng nghĩ, bán hàng online chả tiếp xúc với ai, nên sẽ chẳng có cơ hội uống rượu. Công việc của Kháng thuận lợi, các đơn hàng chạy vù vù. Thời gian này, các sàn thương mại điện tử mọc ra như nấm, cung cấp cơ man những ưu đãi và công cụ hỗ trợ cho những người bán hàng như Kháng. Hàng bán được nhiều, mà Kháng vẫn nhàn, do hắn biết ứng dụng công nghệ vào công việc kinh doanh và vợ hắn rất chi là tháo vát. Có thời gian, lại vốn là thằng thích thể thao, Kháng tham gia hội tennis nơi hắn ở. Sẵn tố chất lãnh đạo, một thời gian sau, hắn làm chủ tịch hội. Ôi thôi! Hội này không chỉ tennis, mà bia rượu cũng thành thần. Kháng quay lại uống rượu. Bao giờ chả thế, đã quay đi mà quay lại, thì chắn chắn "lợi hại hơn xưa". Thế là, ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn. Kháng không thể nào dứt ra được. Hắn đang là chủ tịch hội cơ mà, dễ gì từ chối lời mời chân thành của anh em. Kháng uống giỏi, nhưng sức đâu mà chịu được ngân ấy rượu của mọi người chúc tụng. Mà hội này toàn những thằng "giọng bẩn", bọn nó cứ ca ngợi Kháng là uống giỏi nhất thành phố, để rồi hắn cứ tự tay đem rượu đổ vào mồm mình. Kháng bắt đầu cảm thấy "khó chịu" với kiểu sinh hoạt này. Hầu như ngày nào hắn cũng say, mà bết bát hơn hẳn hồi làm ở công ty rượu. Có lần, hắn ngủ luôn ở nhà vệ sinh của quán. Lần khác, Kháng đi lạc, rồi ngủ tại phòng cộng đồng toà nhà bên cạnh. Lần nữa, không lê được về nhà, hắn nằm trong thang máy tối om đến sáng. Ngượng nhất là hôm, Kháng tè ra quần ở chỗ nhậu. Vợ hắn bắt đầu cằn nhằn. Kháng tặc lưỡi: "Mình vẫn phải giữ thương hiệu "Kháng Rượu" chứ! Mình chỉ uống kiểu thế này đến khi chuyển nhà thôi!"

Kháng chuyển nhà thật. Hắn chuyển đến một khu biệt thự xa thành phố. Công việc của hắn không nhất thiết phải ở trung tâm, vả lại hắn cũng không muốn gặp nhiều người. Hắn sợ lại phải uống rượu. Thời kỳ đầu ở chỗ mới, cuộc sống của Kháng bình yên lắm. Hàng ngày, hắn tập thể dục, rồi làm vườn, rồi lại tập thể dục... Con hắn đã đi học nước ngoài. Vợ hắn mải mê kiếm tiền, nên chẳng đoái hoài gì đến hắn. Kháng sinh ra buồn. Hắn vốn là người ưa sinh hoạt tập thể, nhưng mấy tháng thui thủi một mình, hắn buồn! Ngày nào, Kháng cũng buồn. Buồn không lý do, ăn cũng buồn, tập thể dục cũng buồn... Thậm chí, ngồi trong nhà vệ sinh, hắn cũng cảm thấy buồn. Kháng đi khám. Bác sỹ chẩn đoán, hắn bị trầm cảm giai đoạn đầu, chưa nghiêm trọng, nhưng cần tăng cường giao lưu với mọi người xung quanh. Kháng chẳng biết giao lưu với ai. Vợ lo công việc, con ở nước ngoài, chó mèo không nuôi.

Khu nhà Kháng ở ít có bọn tầm tuổi như hắn, nếu có thì cũng đang phải đi làm. Rảnh rỗi hầu hết là các cụ về hưu, toàn là sáu bảy mươi tuổi trở lên. Hắn nghĩ, mình chơi với mấy vị này cho đỡ buồn vậy, chắc các cụ chỉ uống trà thôi. Đầu tiên, Kháng đi tập thể dục cùng các cụ. Lân la làm quen, Kháng hỏi các cụ còn chơi gì nữa, cho hắn tham gia cùng. Các cụ bảo, tập thể dục xong thì chơi cờ; buổi chiều, sẽ có đánh bài. Hắn nghe thế mừng lắm! Chương trình kín cả ngày thì vui rồi, thế mà trước nay hắn không nghĩ ra.

Hôm sau, Kháng mặc đồ thể thao ra vườn hoa gặp các cụ. Các cụ tập thì ít, tán chuyện thì nhiều. Chuyện gì ở trong khu các cụ đều biết tuốt. Từ chuyện quá khứ của ông to bà nhỏ, đến chuyện anh nọ chị kia đang cặp bồ, con cái nghiện ngập..., các cụ đều thông. Một số cụ ngày trước làm nhà nước, một số cụ là bên quân đội nghỉ hưu, có cụ trước đây là chủ doanh nghiệp tư nhân, cầu thủ bóng đá... Nói chung, thành phần đa dạng lắm. Kháng bắt đầu cảm thấy vui vui. Tập xong, các cụ hỏi Kháng: "Chú có tham gia chương trình hai với bọn anh không?" Hắn trả lời: "Em có biết chơi cờ ạ, cả cờ vua lẫn cờ tướng, cái nào em cũng hầu các bác được." Một cụ cười :"Ấy chết, chưa đến lúc đó. Giờ chúng ta phải "good morning" đã." Hoá ra, chương trình "good morning" của các cụ là ăn sáng và uống rượu. Các cụ bảo, mỗi thằng phải làm dăm ba chén mới có "doping" để đánh cờ, không thì chán chết! Kháng nghĩ, các cụ uống thì uống cái gì? Hắn tham gia. Vì nếu không "good morning", các cụ sẽ không cho Kháng chơi cùng. Mà không được chơi cùng các cụ, hắn sẽ sớm bị trầm cảm giai đoạn hai, tai hắn còn vẳng vẳng lời bác sỹ dặn. Kháng tặc lưỡi: "Làm một hai ly với các cụ, thì có sao đâu!"

Không đơn giản như Kháng nghĩ. Không phải một hai ly, mà mỗi cụ làm nửa chai Lúa Mới, rồi mới về đánh cờ. Rượu đó bốn mươi độ, mà là chai sáu lăm cơ đấy. Đồ ăn chẳng bao nhiêu, có mấy miếng móng giò và bát bún, thế mà các cụ uống thùm thụp. Kháng là thằng trẻ nhất hội, chẳng lẽ không theo. Các cụ đều bảo: "Chú uống được bao nhiêu thì uống, đừng theo bọn anh. Uống xong, ta chơi cờ." Hắn nghĩ, phải theo chứ, toàn là ông già, không theo thì nhục. Dù gì, bố hắn cũng là người uống rượu khoẻ nhất làng, giấy rách phải giữ lấy lề. Thế là, Kháng uống. Kháng chơi cờ chỉ tầm tầm các cụ, nên rất hợp. Cả hội chơi cờ ở căn biệt thự năm trăm mét vuông. Cụ chủ nhà có con là một đại gia nổi tiếng. Cụ sống một mình với mấy người giúp việc. Đến tầm mười một giờ sáng, cụ ấy bảo: "Ta ngả lưng tí, lát còn chơi bài." Cả hội tự tìm chỗ ngủ ở trong nhà, riêng Kháng xin phép về. Hắn mới tham gia nên cũng ngại. Trước khi về, các cụ hẹn hắn, một giờ chiều quay lại.

Một giờ chiều, hắn quay lại căn biệt tự hồi sáng. Bước vào cửa, Kháng thấy mâm bát đã bày lên. Hôm nay, cụ chủ nhà gọi lòng lợn, tiết canh về đánh chén. Một cụ nói: "Ăn đến ba giờ thì đánh bài, nhưng nhớ uống "bằng phân"! Đánh bài ăn tiền, thì uống phải sòng phẳng, thằng say thằng không say là không công bằng!" Rồi, các cụ và Kháng, mỗi người cũng làm nửa chai y như lúc sáng. Chơi chắn cạ đến sáu giờ, các cụ bảo: "Đau lưng rồi, ta nghỉ thôi!" Một cụ gợi ý: "Ta ra đầu khu, có quán bia hơi mới mở, làm mấy ly chia tay. Bia chỉ là giải khát thôi mà!" Cả hội ra quán bia. Hoá ra, ngày nào các cụ chả chia tay. Kháng đi theo, vì cũng chẳng ai chờ hắn cả. Cuối cùng, đêm về, hắn lại say.

Từ đó, Kháng hoà mình vào nhịp sinh hoạt của các cụ. Hắn vui hẳn lên, vì đã hết trầm cảm. Hắn cũng không chắc mình hết trầm cảm là do uống rượu hay do đánh cờ, chơi bài với các cụ? Kháng vẫn ghi tâm khắc cốt lời mẹ dặn, nhưng chẳng thể nào làm theo được. Tất cả đều do hoàn cảnh xô đẩy! Cứ mỗi lúc cầm ly lên, hắn lại tặc lưỡi: "Mình đành phải uống, đến khi các cụ đi hết thì dừng vậy!'' Kháng vẫn hy vọng, nếu nghe lời mẹ, hắn sẽ thọ nhất làng!

                                                                 HN, 02/12/2024
                                                                          N.K.H.

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

HỘI NGHỊ GIÁO DỤC

Tuần trước, tôi tham gia vào đoàn đi công tác nước ngoài học tập kinh nghiệm. Chúng tôi được dự thính một cuộc họp của Hạ nghị viện nước bạn. Cuộc họp đó bàn về đổi mới giáo dục phổ thông. Các vấn đề hội nghị thảo luận vô cùng phong phú, tôi có ghi chép lại dưới đây.

Đầu tiên, Ngài Chủ tịch Hạ nghị viện phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục đối với một quốc gia. Ngài ấy cho rằng, giáo dục là đào tạo con người, mà con người lại là trung tâm của xã hội, không có con người thì không có xã hội, không có xã hội thì không có con người, vân vân và vân vân. Nói chung, Ngài phân tích rất chí lý! Cuối cùng, Ngài Chủ tịch Hạ nghị viện kết thúc: "Hôm nay, Hạ nghị viện muốn nghe các nghị sỹ đóng góp ý kiến để xây dựng nền giáo dục phổ thông phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Nếu có chất vấn, đề nghị Ngài Giám đốc Cơ quan Giáo dục Quốc gia trả lời".

Một ông nghị đứng lên: "Hôm nọ, tôi đi tiếp xúc cử tri. Có cử tri hỏi, tại sao sách giáo khoa cứ phải thay đổi xoành xoạch? Gia đình cử tri ấy có bốn thằng con trai, mỗi đứa cách nhau một lớp, mà không thằng em nào dùng được sách của anh. Thế nên, sách cứ để đầy nhà, vứt thì tiếc, bán sách cũ chẳng ai mua, vì chương trình học thay đổi mất rồi. Đề nghị Ngài Giám đốc Cơ quan Giáo dục Quốc gia giúp tôi trả lời vấn đề này."

Ngài Giám đốc Cơ quan Giáo dục Quốc gia là một nhà trí thức đáng kính. Ngài ấy có rất nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục cả trong lẫn ngoài nước và được quốc tế công nhận. Gần đây, còn có thông tin, Ngài ấy được đề cử giải Nobel Giáo dục nữa cơ đấy. Ngài ấy từ tốn trả lời: "Kính thưa Ngài Chủ tịch Hạ nghị viện! Kính thưa các nghị sỹ! Chúng tôi luôn tìm mọi phương pháp để phát triển giáo dục phổ thông trong nhiều năm qua. Muốn phát triển, thì phải đổi mới. Thời đại bốn chấm không, mọi thứ đều thay đổi nhanh như vũ bão. Nếu đứng yên, giáo dục sẽ bị tụt hậu so với sự phát triển của thế giới. Việc sách giáo khoa nước ta thay đổi mỗi năm một lần, âu cũng là lẽ thường. Tôi đang đề xuất với chính phủ, nâng tần suất thay đổi sách giáo khoa lên nửa năm một lần, để phù hợp với tốc độ phát triển của đất nước."

Nghị sỹ khác phản đối: "Tôi đã nghiên cứu nền giáo dục của nhiều nước, họ có thường xuyên thay đổi sách giáo khoa như nước ta đâu? Khi nào có vấn đề mới, họ chỉ bổ sung thêm một đoạn, chứ không thay đổi toàn bộ sách. Xin Ngài lý giải vấn đề này!"

Ngài Giám đốc: "Thưa các Ngài, các nước khác làm gì có tốc độ phát triển ở mức hai con số trong mấy chục năm qua như đất nước ta. Cho nên, nước họ thay một trang sách giáo khoa, thì nước ta phải thay cả quyển là đúng rồi còn gì. Các ngài muốn con cháu chúng ta bị tụt hậu à?"

Một bà nghị bổ sung: "Ngài nói nước ta có tốc độ phát triển nhanh hơn các nước khác chỉ đúng về mặt kinh tế - xã hội thôi, còn các môn khoa học cơ bản có thay đổi gì đâu, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Sao ta không bê nguyên sách giáo khoa toán, lý, hoá, sinh... của các nước phát triển dịch sang tiếng nước ta. Cứ chọn nước phát triển nhất thế giới mà copy, thì chắc là chuẩn không cần chỉnh. Thế là, cũng bớt đi phân nửa số sách giáo khoa cần thay đổi."

Ngài Giám đốc ôn tồn: "Bà chưa hiểu vấn đề rồi. Khoa học tự nhiên cũng phải gắn với năng lực con người và tình hình của mỗi quốc gia chứ. Đơn cử ví dụ này nhé! Vừa rồi, cảnh sát bắt được một ổ thuốc lắc, do người nước ta tự pha chế. Bọn này ghê thật! Chúng đều mới học hết cấp hai, mà sáng tạo ra công thức pha chế và xây dựng phòng thí nghiệm như giáo sư đại học. Cơ quan Giáo dục Quốc gia lập tức nghiên cứu sự việc trên và đi đến kết luận, người nước ta có sẵn năng khướu về hoá học. Cho nên, từ năm sau, chúng tôi sẽ giảm thời lượng dạy môn hoá xuống, tăng cường dạy môn đạo đức."

Một nghị sỹ vẫn chưa hài lòng: "Thế tôi hỏi Ngài, lịch sử nước ta mấy ngàn năm nay có gì thay đổi, mà lại phải thay sách giáo khoa môn sử?"

Ngài Giám đốc: "Ấy chết! Lịch sử thay đổi liên tục mà. Lịch sử là quan điểm của người sau đánh giá người trước, nên mỗi khi có công trình nghiên cứu mới về lịch sử, chúng ta phải cập nhật vào sách giáo khoa để con em chúng ta không bị nhầm lẫn về quá khứ.  Không hiểu đúng về lịch sử, thì làm gì có tương lai. Thế này nhé! Cùng một sự kiện là bề tôi giết vua, nhưng mỗi thời nhận định một khác. Lúc thì nói là anh hùng giết hôn quân, lập nên triều đại mới. Lúc khác, lại bảo đây là tạo phản, vị vua mới này chỉ được tính là ngụy triều. Ngài bảo, có phải thay sách giáo khoa lịch sử không? Nước ta là nước yêu lịch sử, nên các nhà sử học hàng năm sản xuất ra hàng trăm công trình nghiên cứu ấy chứ, mà công trình năm sau thường phủ nhận công trình những năm trước."

Một nghị sỹ khác có ý kiến: "Thời tôi còn đi học, tôi chỉ mang một cái cặp nhỏ, trong có vài quyển sách, quyển vở. Tôi vẫn xách cái cặp ấy, đi bộ mấy cây số đến trường, nhẹ như không! Thế mà ngày nay, học sinh tiểu học phải đeo ba lô mười mấy cân sách vở đi học. Có phải là chương trình giáo dục đang nhồi nhét cho học sinh quá nhiều vấn đề không?''

Ngài Giám đốc mỉm cười giải thích: "Quả thật, kiến thức có nhiều hơn, nhưng tôi cam đoan không nhồi nhét quá nhiều đâu. Chúng tôi đã có hẳn một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về vấn đề trọng lượng cặp của học sinh. Công trình này kết luận, cặp nặng rất có lợi, nó giúp học sinh rèn luyện thể chất hàng ngày. Cho nên, chúng tôi làm ra cái thời khoá biểu mười môn một ngày, để học sinh phải mang theo mười bộ sách vở. Làm thế, chúng tôi mới có điều kiện để giảm thời lượng của môn giáo dục thể chất xuống, tăng thời lượng học kiến thức lên. Thế có phải hay hơn không nào? Chứ muốn cặp nhẹ thì dễ lắm, sửa lại thời khoá biểu mỗi ngày một môn là xong ngay, nhưng như thế không có lợi cho giáo dục."

Bà nghị của một tỉnh miền núi phát biểu: "Vừa rồi, ngành giáo dục chủ trương ghép môn, như sinh vật ghép với vật lý thành môn Sinh Lý, lịch sử ghép với địa lý thành môn Sử Lý... Các môn ghép có hai phần chả liên quan gì đến nhau, nên gây áp lực rất lớn cho giáo viên. Thầy dạy vật lý phải dạy thêm sinh vật, còn cô dạy lịch sử phải dạy thêm địa lý. Do vậy, chất lượng giảng dạy cũng đi xuống. Cá biệt, môn Nghệ thuật được ghép từ âm nhạc và hội hoạ, không thầy nhạc nào dạy vẽ được và cũng không cô hoạ nào dạy nhạc được. Cho nên, có lớp chỉ được học nhạc, còn có lớp chỉ được học họa."

Ngài Giám đốc thừa nhận có vấn đề đó. Đây là giải pháp tình thế của ngành giáo dục, do tình trạng thiếu giáo viên gây ra. Ngài giám đốc hứa với Nghị viện, sẽ xem xét ghép lại các môn học cho phù hợp, ngay trong năm tới. Còn để giải quyết triệt để vấn đề thiếu giáo viên, Ngài Giám đốc đề xuất với chính phủ chính sách ưu đãi cho giáo viên, cụ thể là miễn học phí cho cả họ các thầy cô giáo. Phải ưu đãi như thế, thì các cháu mới chịu thi vào trường sư phạm.

Vừa nghe thế, một loạt nghị sỹ đứng dậy đồng tình. Người đại diện cho ngành điện đề xuất ai làm ngành điện, thì cả họ được dùng điện miễn phí. Đại diện ngành lễ tang cũng nhất trí là người trong ngành sẽ được cung cấp miễn phí áo quan cho cả họ... Hội trường ầm ĩ cả lên, mọi người nhao nhao đề xuất ưu tiên cho ngành mình... Ngài Chủ tịch Hạ nghị viện phải gõ búa để mọi người im lặng và nói: "Vấn đề ưu đãi cho các ngành ta bàn sau. Hôm nay, chúng ta tập trung vào giáo dục phổ thông thôi!"

Một ông nghị già góp ý: "Tôi thấy, chương trình dạy môn toán ở nước ta quá nặng và không thực tế. Như tôi đây, làm đến nghị sỹ, sắp về hưu rồi, cả đời tôi chỉ sử dụng bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia; cùng lắm là thêm bình phương, để tính diện tích đất khi mua bất động sản. Thế mà, chương trình phổ thông bắt học sinh học khai căn, rồi sin, cos... và cả tích phân, vi phân... nữa. Chẳng hiểu để làm gì? Những thứ đó cả đời người không ai dùng đến, trừ mấy nhà bác học. Bộ não con người có hạn, nạp vào kiến thức không cần thiết, thì sẽ không còn chỗ chứa kiến thức hữu ích nữa. Tôi đề xuất, loại bỏ môn toán khỏi chương trình từ lớp hai trở lên."

Một số nghị sỹ khác cũng đề nghị, bỏ phần lớn chương trình của các môn vật lý, hoá học, sinh học... và thay thế các môn thực tế hơn vào chương trình. Cụ thể là những môn kỹ năng sống phổ biến, như "ném đá dấu tay", "gắp lửa bỏ tay người", "qua cầu rút ván", "đánh bùn sang ao", ''đâm bị thóc, chọc bị gạo"... Ngài Giám đốc tiếp thu ý kiến của các nghị sỹ và cam kết, sang năm ngành giáo dục sẽ nghiên cứu và phát hành bộ sách giáo khoa mới, giảm bớt nội dung các môn khoa học cơ bản và thêm mới các môn kỹ năng sống.

Một ông nghị đứng lên hỏi: "Tình trạng bằng giả vẫn tràn lan, Ngài Giám đốc định giải quyết thế nào?" Ngài Giám đốc liền "đá bóng". Ngài ấy cho rằng, vấn đề bằng giả thuộc phạm vi quản lý của cơ quan chống hàng giả. Ngành giáo dục chỉ liên quan đến việc dạy và học mà thôi. Hơn nữa, vấn nạn bằng giả xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là tiêu chí tuyển dụng lao động. Vị trí nào cũng cần một lô xích xông bằng cấp, như ngoại ngữ, vi tính, lý luận, nấu ăn, sửa xe... Nhiều vị trí không cần thiết phải do thạc sỹ, tiến sỹ đảm nhiệm, thế mà cũng đưa ra tiêu chí "ưu tiên cho người có bằng sau đại học". Tóm lại, Ngài Giám đốc cho rằng, bằng giả không phải là vấn đề của ngành giáo dục.

Và còn một số ý kiến nữa, nhưng những tranh luận nêu trên là thú vị nhất. Trong phát biểu bế mạc, Ngài Chủ tịch Hạ nghị viện cũng nhấn mạnh những vấn đề này và yêu cầu Cơ quan Giáo dục Quốc gia tập trung nguồn lực để giải quyết.

Hy vọng năm tới, nước bạn sẽ phát hành thành công bộ sách giáo khoa mới và học sinh không phải học toán nữa.

                                                                     HN, 25/11/2024
                                                                               N.K.H.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

NÊN ĐỂ CÁC ÔNG CHỒNG UỐNG RƯỢU

Sáng hôm qua, tôi ngồi uống cà phê cạnh bàn có mấy đứa con gái đang ngồi chém gió. Đang yên đang lành, bọn nó quay ra cãi nhau việc có nên cấm chồng uống rượu hay không. Một đứa tuyên bố: "Tao cấm tiệt thằng chồng tao uống rượu. Uống rượu vừa tốn tiền, vừa mất thời gian, vừa hại sức khoẻ, lại ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình." Nghe đến đó, tôi những tưởng sẽ diễn ra một màn nói xấu chồng và đấu tố tập thể việc uống rượu. Nhưng không, thật ngạc nhiên! Bọn còn lại nhao nhao phản đối. Chúng bảo, việc gì phải cấm chồng uống rượu chứ? Chồng uống rượu có bao nhiêu là cái lợi. Tôi tò mò, dỏng tai lên nghe xem bọn nó nói gì.

Một con, có vẻ lớn tuổi nhất trong bọn, mở đầu: "Bọn mày bảo, ở nước mình, không uống rượu kiếm tiền sao được! Người nước ta vốn được giáo dục tinh thần cảnh giác cao độ từ bé. Buổi sáng, trước khi con đi học, bà mẹ nào chả dặn đi dặn lại: "Ra đường, con không được nói chuyện với người lạ!" Rồi tối đến, đài tiếng nói lại phát chương trình "Câu chuyện cảnh giác" đều như vắt chanh... Ý thức cảnh giác đã ngấm sâu vào máu mỗi đứa trẻ. Lớn lên, ai cũng luôn cảnh giác với người lạ. Người ta cứ phải mời nhau đi uống rượu để tìm hiểu, rồi có làm gì thì làm. Mọi người chỉ có qua bữa nhậu mới trở nên thân thiết. Vì thế, nếu không uống rượu, chẳng quen biết ai để làm ăn. Tao cho chồng uống rượu thoải mái, miễn đem tiền về nhà là được."

Con khác thêm vào: "Không uống rượu thì làm sao lừa đối tác đi mát xa, karaoke, gái gú... được. Mấy lão đàn ông phải cùng chơi mấy món đó, mới coi nhau như anh em ruột. Đã là anh em rồi, muốn làm ăn gì mà chả được."

Lại một con có ý kiến: "Chồng tao là nhạc sỹ, ngày nào cũng phải uống rượu. Nếu không có rượu, lão ấy chẳng viết nổi một nốt nhạc, nhưng hễ ba xu rượu lại sáng tác vun vút. Rượu làm cho tâm hồn các nghệ sỹ thăng hoa, bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật đều từ rượu mà ra đấy. Nhạc nuôi sống gia đình tao, rượu là nguyên liệu sản xuất nhạc, nên ngày nào tao cũng phải chuẩn bị rượu thật ngon cho lão ấy uống."

Một con ngồi cuối bàn từ tốn nói: "Tao thấy không cấm chồng uống rượu được đâu. Trên vô tuyến, phim nào mà chả có cảnh uống rượu. Từ phim ngôn tình đến kiếm hiệp, từ phim hành động đến tâm lý, từ phim dã sử đến lãng mạn..., rượu là thứ không thể thiếu. Phim không có cảnh hôn hít hay đâm chém thì được, chứ tuyệt nhiên không thể không có rượu. Những cảnh thề bồi hay ăn mừng hoành tráng đều dùng rượu, sao họ lại không dùng nước suối hay cô ca chứ? Chắc chắn, rượu có gì đó hay hơn! Từ bé đến lớn, hình ảnh uống rượu đã ngấm vào người bọn đàn ông qua bao năm tháng xem vô tuyến. Bọn nó làm quen với rượu từ lâu trước khi quen chúng ta. Nếu xét về yếu tố thời gian, bọn chúng thân với rượu hơn vợ. Đừng có dại mà cấm, tan nát gia đình là cái chắc!"

Một con khác lại kể: "Nhà tao có ông chú, ông ấy uống rượu mấy chục năm nay, da dẻ hồng hào, chả bệnh tật gì. Năm ngoái, bà vợ tự nhiên đi dự một buổi hội thảo về phòng chống tác hại của rượu. Về nhà, bà ấy cấm tiệt ông ấy uống rượu. Thế là toang! Mấy tuần sau, ông ấy đi cấp cứu. Bác sỹ kết luật, ông ấy bị "sảng rượu" (một loại bệnh do ngừng uống rượu đột ngột). Từ đó, sức khoẻ chú tao đi xuống, không vực lên được. Hôm qua là bốn chín ngày ông ấy đấy. Bọn mày thấy chồng đang uống rượu, tuyệt đối không được cấm nhá!"

Một con nữa bổ sung: "Tao hay xem phim lịch sử. Trước khi đánh trận, tướng sỹ đều uống rượu. Các trận đánh từ thời cổ đại đến Chiến tranh Thế giới lần một, lần hai đều thế cả. Lính Đức, Lính Mỹ, Lính Liên Xô... ông nào cũng uống rượu hết. Không uống rượu, thằng nào dám xông ra giữa làn mưa đạn? Rượu làm cho đàn ông dũng cảm hơn, làm được những việc bình thường không dám làm. Có khi nhờ rượu, bọn mình mới lấy được chồng ấy chứ! Đứa nào cấm chồng uống rượu là dở đấy, làm chồng nó hèn đi!"

Thêm một con nữa tham gia: "Giao thông nước ta vô cùng lộn xộn và nguy hiểm. Hôm nào tao cũng phấp phỏng, lo chồng bị tai nạn. Từ hồi có Nghị định 100, thằng chồng tao không đi xe máy nữa, nó sợ bị thổi nồng độ cồn. Ngày nào mà nó chả uống rượu, thế là nó đi taxi. Tao cũng hết lo. Chúng mày thấy uống rượu có phải là an toàn hơn không nào?"

Một con to béo ngồi giữa bàn kể: "Chồng tao bị huyết áp cao nhiều năm. Từ nhỏ, ông ấy đã không một giọt rượu. Mấy năm trước, tao nghe lỏm được một tay bác sỹ nói, uống rượu vào thường là huyết áp hạ. Lên mạng tìm hiểu thấy cũng có lý, tao bắt ông ấy uống rượu. Mấy năm nay, chồng tao uống rượu như điên, nhưng ông ấy bỏ hẳn thuốc huyết áp. Thế mới ghê chứ! Theo tao, uống rượu còn có khả năng chữa một số bệnh."

Một con, trông có vẻ trí thức, bổ sung: "Thực ra, rượu cũng không độc hại lắm đâu. Nếu nói về độc, có khi nước còn độc hơn. Tao chưa nghe ai nói là uống rượu gây chết người, trừ khi uống rượu rởm. Uống nhiều rượu chỉ say thôi, chứ uống nhiều nước là chết liền. Mấy cuộc thi uống nước gần đây đều có người chết cả."

Một con, trên người toàn đồ hiệu, gật gù: "Có chồng uống rượu hay được tặng quà, bọn mày ạ! Chồng tao lúc không uống rượu, làm gì cũng chuẩn chỉ. Uống rượu vào, lão thường xuyên mắc lỗi. Lúc tỉnh rượu, lão ấy ân hận vô cùng. Cứ mỗi lần như thế, lão lại bù đắp cho tao. Cái túi LV này là chồng mua cho tao sau lần lão đi mát xa không lành mạnh, còn cái áo Burberry này tao được tặng sau khi lão đi karaoke tay vịn... Có lần, lão tặng tao cả cái ô tô, tao biết tỏng lão mắc lỗi gì rồi. Bọn mày thấy có chồng uống rượu thích không? Không nên cấm nhé!"

Con bé lúc đầu tuyên bố cấm chồng uống rượu, nhỏ nhẹ: "Cảm ơn bọn mày! Không có bọn mày, tao không biết được lợi ích của việc uống rượu. Tao thu hồi lệnh cấm ngay bây giờ đây."

Nghe đến đó, tôi len lén sang bàn khác ngồi. Tôi xin cô chủ quán mấy tờ giấy, cái bút và chép ngay lại nội dung vừa nghe.

                                                                                      HN, 25/11/2024
                                                                                               N.K.H.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2024

MỐI TÌNH CÂM

Tôi và em lớn lên ở một huyện miền biển. Em đẹp từ bé. Lên cấp ba, em là hoa khôi của trường và được các bạn đặt biệt danh "Người đẹp Hồng Kông". Em có nước da trắng, khuôn mặt thanh tú, sống mũi cao và thẳng, lông mày đều và không quá đậm, đôi mắt trong, đặc biệt là cái cằm V-line. Ngày đó, em quá nổi bật giữa lũ con gái của một trường cấp ba huyện. Tôi thầm yêu em, nhưng một thằng trai quê mùa như tôi đâu dám thể hiện tình cảm với em. Hết lớp mười hai, chúng tôi chia tay và không gặp lại nhau cho đến ngày tôi học xong đại học, còn em đã lấy chồng.

Hết cấp ba, em thi đỗ vào trường cao đẳng mẫu giáo, còn tôi theo học báo chí. Tuy ở cùng một thành phố, nhưng chúng tôi không có điều kiện gặp nhau. Lịch học đã bận, hai trường cũng khá xa nhau, lại phải đi làm thêm, nên tôi không có thời gian dành cho mối tình đầu đơn phương đó. Ba năm học cao đẳng là ba năm vẻ đẹp của em rạng ngời nhất. Ba năm đó, hàng chục thằng xếp hàng "xin chết". Em chẳng chọn ai.

Ra trường, em được phân công về một trường mẫu giáo ở trung tâm thành phố. Lương giáo viên mầm non chẳng bao nhiêu, nên em làm thêm một số việc cho phường nơi em ở. Mọi người trong phường và nhà trường đều rất quý em, vì em thông minh, chịu khó và thường xuyên tham gia công tác phong trào, đàn ca sáo nhị môn nào cũng hay. Em gặp chồng em trong lúc luyện tập mấy tiết mục văn nghệ, anh ta chơi ghi ta, còn em hát. Anh ta là dân thành phố chính gốc, mê mẩn em ngay từ cái nhìn đầu tiên. Anh ta tỏ tình, em chấp nhận, em tin vào tình yêu. Em lấy chồng ngay năm đó.

Tôi ra trường sau em một năm. Tình cờ, tôi về công tác ở đài phát thanh ngay gần nhà chồng em. Một lần, trên đường đi làm về, nhìn thấy em đi cùng chồng, tôi tránh không bắt chuyện. Tôi âm thầm dõi theo em. Tôi không gặp em, nhưng vẫn có thể theo dõi hầu hết các hoạt động của em qua facebook. Em là người hướng ngoại, hầu như ngày nào, facebook của em cũng có bài đăng mới. Tôi không cảm thấy cô đơn!

Lấy chồng xong, em nghỉ làm. Chồng em có cửa hàng tạp hoá trong một con phố nhỏ giữa lòng thành phố, em về phụ chồng bán hàng. Sự nghiệp giảng dạy của em vì thế kết thúc sau chưa đầy một năm. Năm sau, em sinh cho chồng em một cô con gái và năm năm sau đó là một thằng cu. Vợ chồng em có cuộc sống hạnh phúc hơn mười năm. Tôi biết vậy, là vì trong mười năm đó, em thường xuyên cập nhật cuộc sống cả gia đình lên facebook. Sau khi có con trai, chồng em không chấp nhận việc buôn bán nhỏ. Anh ta cùng với mấy người bạn sang Lào buôn gỗ. Buôn gỗ kiếm nhiều tiền hơn cửa hàng tạp hoá, nhưng anh ta phải đi suốt. Mỗi chuyến hàng phải đi mất vài tháng và về nhà chỉ mấy tuần, rồi lại đi. Điều gì đến, cũng phải đến, chồng em cặp kè với cô bạn buôn chuyến. Thế là, em chia tay. Facebook của em không có tin gì trong ba tháng.

Một nách hai con, em làm đủ mọi việc. Ngoài bán tạp hoá, em còn bán hàng online, rồi mở quán cà phê cạnh nhà, sau nữa là nhà hàng. Con gái em càng lớn, càng giống em. Từ vóc dáng cho đến tính tính, rồi năng khiếu hát hò, nhảy múa đều hay như mẹ. Thằng cu thì giống bố nó như lột, cho nên năm năm sau khi bỏ chồng, em vẫn chưa quên được anh ta. Em quần quật làm việc và chăm sóc con cái. Đôi lần, tôi và em gặp nhau ở quán cà phê của em, chúng tôi nói chuyện về thời học trò, chuyện trên trời dưới đất, nhưng không ai nói về tình yêu. Có thể em cũng thích tôi, nhưng ngại hoàn cảnh của mình. Em có đôi mắt buồn. Còn tôi, không hiểu sao, chẳng dám ngỏ lời. Tôi vẫn là trai tân.

Khi con chị biết trông thằng em giúp mẹ, là lúc em trưởng thành và trở thành người phụ nữ tự do. Em đã quên hẳn chồng cũ và biết tự chăm sóc bản thân. Em là chủ doanh nghiệp, nhà hàng của em đã phát triển thành chuỗi. Em có thời gian tập thể thao, đi làm đẹp, đàn đúm bạn bè và cả đi phượt nữa. Em gầy và đẹp hơn trước. Cái vẻ đẹp mặn mà và đằm thắm của người đàn bà giữa tuổi ba mươi. Facebook của em hầu như ngày nào cũng có ảnh mới. Đi ăn cũng ảnh, đi chơi pikleball cũng ảnh, đi spa cũng ảnh, đi phượt lại càng nhiều ảnh, thậm chí ngồi một mình cũng có ảnh.

Em lại thèm yêu. Độ tuổi ngoài ba mươi là thời gian đẹp nhất của đời người đàn bà. Con đã lớn, tiền bạc đã có, kinh nghiệm sống cũng nhiều và đương hiên là còn nhiều ham muốn. Thế rồi, em phải lòng một chàng kém em hai tuổi rưỡi. Hai người cùng đội phượt. Trong đội phượt xe máy, chỉ có em và cậu ta chưa có đôi, nên hai người thường xuyên được xếp đi chung. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Em lại lấy chồng.

Chồng mới của em đẹp trai, hào hoa, chiều vợ, nhưng phải cái hay ghen. Cuộc sống của em giờ đây không còn tự do như trước. Em không được đi chơi pickleball, vì trong nhóm đó có hai thằng con trai. Em đi đâu mà có đàn ông đi cùng, đều phải rủ chồng cùng đi hoặc báo cho chồng biết... Cuộc sống của em ngột ngạt. Vài người bạn xa lánh em. Suốt ngày, em chỉ ngồi ở quán cà phê của mình và đăng facebook. Tôi vẫn làm ở đài phát thanh cạnh nhà em. Tuy có nhiều cơ hội chuyển việc, nhưng tôi cứ bám trụ mãi ở đây để được gần em. Một lần, có ông khách nói chuyện lâu với em, chồng em ghen bóng ghen gió, làm ầm lên giữa chỗ đông người. Hôm đó, tôi cũng có mặt. Giọt nước tràn ly. Em ly dị. Em lại tự do.

Tôi và em đã ngoài bốn mươi. Cả hai vẫn ngồi chung một quán cà phê. Chúng tôi đều biết người kia có tình cảm với mình, nhưng không ai mở lời. Em hiểu quá rõ về hôn nhân và tình yêu. Dù cho hôn nhân không phải là kết thúc của tình yêu, nhưng chúng không phải lúc nào cũng song hành. Tình yêu là phản ứng hoá học. Nó được sinh ra bởi một lượng lớn dopamine, serotonin và norepinephrine chạy phọt lên não. Hôn nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm theo cam kết của hai người trưởng thành. Tình yêu là vật chất, hôn nhân là ý thức, hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Muốn duy trì tình yêu, cơ thể con người phải có đủ lượng hoá chất cần thiết bơm lên não. Hôn nhân muốn tồn tại phải phụ thuộc vào cách hành xử của hai cá thể, mà hai cá thể này thường không cùng chung một nền giáo dục và đa phần có những thói quen khác biệt. Tình yêu là tự nhiên, còn hôn nhân là thoả hiệp. Nhiều khi em tự hỏi, hôn nhân có phải là sản phẩm lỗi của xã hội loài người chăng? Em sợ lại mắc lỗi thêm lần nữa. Còn tôi chưa từng yêu ai khác, chỉ biết thích mỗi mình em từ ngày đi học. Giờ đây đã luống tuổi, tôi ngại tỏ tình. Tôi đã quen sống một mình và hàng ngày dõi theo em qua facebook. Có lẽ, cứ sống thế này, các hoá chất duy trì tình yêu sẽ luôn chạy trong huyết quản của tôi. Nếu thuận theo lẽ thường, chưa chắc tôi còn ngồi đây ngắm em.

Ngày ngày, chúng tôi vẫn ngồi cùng một quán cà phê và nhìn nhau...

                                                                               HN,17/11/2024
       N.K.H

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

HỌP LỚP

Hôm nay, tôi vừa nhận được tin nhắn mời họp lớp. Bọn lớp cấp ba tổ chức họp mặt mười lăm năm ra trường. Rất lâu rồi, tôi chưa tham gia họp lớp, nên háo hức lắm. Nhân lúc ăn trưa ở căng tin, tôi kể với các đồng nghiệp cùng phòng về vụ họp lớp.

Lập tức, các anh chị cùng phòng đều phản đối. Họ bảo: "Đừng có dại đi họp lớp, em nhé!" Tôi ngơ ngác không hiểu. Một chị giải thích: "Em chưa có con, thì đi họp lớp làm gì? Hôm trước, chị đi họp lớp, mọi người dành nửa thời gian ra để nói về con đấy. Đứa thì khoe con thông minh, đứa thì khoe con xinh đẹp, đứa thì khoe đẻ con to nuôi con khoẻ... Rồi họ cãi nhau, thi xem con ai hơn con ai. Có đứa khoe đẻ con bốn cân, lập tức có đứa khác bảo, hồi trước tao sinh con năm cân cơ. Cuối cùng, đứa sinh con to nhất là mười cân rưỡi mới ghê chứ! Chưa xong, có một đứa bảo con nó biết nói lúc mười tháng tuổi, thế là cả bọn lại tranh nhau kể. Kết luận, đứa vô địch là có con bắt đầu nói khi mới đẻ một tuần... Đau đầu lắm! Cả buổi, chị chả biết nói gì, vì chị thấy hai đứa con nhà mình từ bé đến nay đều bình thường".

Tôi hỏi lại: "Thế họp lớp chỉ nói chuyện con thôi à?" Một chị khác trả lời: "Ngoài chuyện con ra, còn chuyện vợ chồng nữa. Em chưa có gia đình, thì cũng đừng nên đi. Năm ngoái, chị đi họp lớp, thời lượng dành cho chuyện vợ chồng là chính. Bọn con gái thì khoe chồng đẹp trai, giàu có, chăm sóc gia đình... Bọn con trai thì khoe vợ xinh đẹp, đảm đang, chiều chồng... Chị thấy ai cũng vô cùng mãn nguyện. Thế mà, đến năm nay, một nửa số chúng nó đều đã ly dị hoặc ly thân. Hoá ra, bọn nó toàn bốc phét. Con gà ganh nhau tiếng gáy thôi. Từ đấy trở đi, chị không đi họp lớp nữa."

Tôi hỏi: "Ơ, thế người ta đến chỗ họp lớp để khoe khoang à?" Một anh hơn tôi mấy tuổi giảng giải: "Chứ còn gì nữa! Em chưa có nhà, chưa có xe, thì đừng có đi họp lớp. Thậm chí, về bằng cấp, chí ít em cũng phải đang học thạc sỹ, thì hãy nên đi. Đứa nào mà chả khoe học bằng nọ, lớp kia. Có thằng cùng lớp anh còn bảo, nó biết mười lăm ngoại ngữ cơ đấy, mà thằng này tiếng Việt ngọng líu ngọng lô. Họp lớp có ai kiểm chứng được đâu".

Một anh lớn tuổi thêm vào: "Mười mấy năm trước, anh tham gia họp lớp vỡ lòng. Năm đó, lớp anh đến đông đủ lắm. Ăn liên hoan chung cả lớp xong, bọn con trai còn kéo nhau ra ven hồ uống bia. Trong lớp, có hai thằng ghét nhau từ xưa, vì cùng yêu một con ngồi bàn đầu. Rượu vào lời ra, chỉ cãi nhau mỗi chuyện là thằng nào tỏ tình với con kia trước thôi, mà hai đứa đánh nhau. Một thằng cầm nguyên vỏ chai bia đập vào đầu thằng kia, máu me be bét, phải đưa đi cấp cứu. Hai thằng thề độc, không bao giờ nhìn mặt nhau, có thằng nọ thì không có thằng kia. Thế là, cả hai không bao giờ đi họp lớp nữa. Anh nghĩ em không đi họp lớp thì hơn!"

Bác trưởng phòng, ngồi cùng mâm với chúng tôi, dặn: "Các anh chị ấy nói phải lắm! Cháu đừng đi họp lớp. Lúc còn đi học, nếu đã hợp nhau, thì thân thiết đến tận bây giờ, năm nào chả gặp nhau ít nhất vài lần. Cần gì phải họp lớp. Họp lớp chẳng có chuyện gì nói, chỉ khoe nọ khoe kia, dễ nảy sinh mâu thuẫn lắm! Cãi nhau, đánh nhau là bình thường. Bác sắp về hưu, mới làm đến chức trưởng phòng, nên chẳng dám đi họp lớp bao giờ. Bọn lớp bác toàn làm to. Đứa thì quan chức, đứa thì chủ tịch công ty, chí ít cũng là tổng giám đốc. Có thằng cùng lớp bác, nhà bán xôi, trước khi họp lớp, nó đi đăng ký kinh doanh thành lập công ty Xôi và tự phong mình là chủ tịch kiêm tổng giám đốc hẳn hoi. Nó in cạc vi dít phát hết cho cả lớp, rồi còn "post" lên facebook nữa."

Tôi móc điện thoại ra, nhắn cho thằng lớp trưởng: "Tớ bận rồi, hẹn các bạn lần sau!"

                                                                    HN, 21/11/2024
                                                                            N.K.H.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

TENNIS VS PICKLEBALL

Pickleball đổ bộ vào nước ta nhanh và mạnh như bão số năm. Riêng ở thành phố tôi, hai phần ba sân tennis đã được chuyển đổi thành sân pickleball rồi. Đây là môn thể thao dễ chơi, không cần học, cứ cầm vợt và bóng ra sân đánh vài quả là quen ngay. Về mặt kinh tế, các dụng cụ để chơi môn này cũng khá rẻ. Diện tích sân pickeball bằng một phần tư sân tennis, giá cho thuê theo giờ thì tương đương hoặc ít hơn sân tennis một chút, nên các chủ sân tennis hào ứng chuyển đổi và hết lòng cổ xúy cho bộ môn này. Chị em trước đây không biết chơi môn thể thao nào, thì bây giờ được mặc quần đùi, váy ngắn khoe mông, khoe ngực. Anh em cũng háo hức tham gia, vì vừa được chơi thể thao, lại vừa được ngắm gái đẹp.

Khu chung cư chúng tôi có một sân tennis và hai sân cầu lông. Từ ngày pickleball xâm nhập vào chung cư, sân cầu lông được trưng dụng thành sân pickleball. Vì kích thước hai sân tương đương nhau, chỉ cần hạ thấp lưới là chơi pickleball được. Người chơi cầu lông chỉ chơi sáng sớm và chiều muộn, còn lại hầu như thời gian trong ngày, người ta đều nghe thấy tiếng "pạch pạch", "bộp bộp" của pickleball.

Pickleball là một môn thể thao không chính thống và chưa có tiêu chuẩn gì, luật cũng thay đổi xoành xoạch. Thế mà khi du nhập vào nước ta, lại "mọc" ra rất nhiều thầy dạy pickleball. Họ hầu hết là thầy dạy tennis, đôi khi là thầy dạy bóng bàn và thậm chí có một số người đang chơi tennis chuyển sang dạy pickleball. Thật kỳ lạ! Chưa thấy ở đâu có học viện pickleball, mà sao có lắm giáo viên thế, không biết ai đào tạo họ để đi dạy. Tôi đã xem nhiều buổi dạy pickleball trên sân cũng như trên mạng và đi đến kết luận rằng, mỗi thầy dạy một kiểu, không có kỹ thuật chung trong bộ môn này.

Ở chung cư chúng tôi, một nửa số người chơi tennis đã chuyển hẳn sang chơi pikleball. Câu lạc bộ tennis chúng tôi đang có gần năm mươi thành viên, giờ chỉ còn hơn hai mươi người. Một nữa trong số đó thì "chân trong chân ngoài", họ đều có cả vợt tennis và pickleball trong ba lô. Khánh - Chủ tịch Câu lạc bộ tennis của chúng tôi rất lo lắng, vì nếu không ai chơi tennis, mà nhiều người chơi pickleball, có thể Ban quản trị chung cư sẽ chuyển đổi sân tennis thành sân pickleball. Lo lắng này là có cơ sở, vì ở một số khu chung cư khác, việc này đã xảy ra rồi.

Khánh liền bàn với anh em trong Câu lạc bộ: "Chúng ta phải nâng cao phong trào tennis, không thì gay go. Ban quản trị thấy ít người chơi tennis quá, có thể họ phá sân tennis, làm sân pickleball. Anh em ta mất chỗ chơi. Lâu rồi, ta không tổ chức giải. Tôi đề xuất, ta làm cái giải mở rộng thứ bẩy tuần này, mời thêm câu lạc bộ bên ngoài vào đánh cho đông". Từ trước đến nay, Khánh vẫn là tay nhìn xa trông rộng, đọc vị mọi vấn đề. Cho nên, nghe Khánh nói thế, chúng tôi lo lắm. Cả bọn nhất trí thực hiện theo đề xuất của nó. Khánh chịu trách nhiệm mời câu lạc bộ bên ngoài, mấy thằng khác lo đặt sân, ăn uống, in băng rôn khẩu hiệu, làm cúp và cờ lưu niệm.

Giải mở rộng diễn ra thành công tốt đẹp. Các trận cầu thi đấu từ sáng đến tối mịt. Cư dân chung cư ra xem đông nghịt, hò reo cổ vũ như điên. Tối đến, chúng tôi tổ chức ăn uống linh đình, mời cả đại diện Ban quản trị và khán giả. Lúc tôi về đến nhà, cũng đã gần nửa đêm. Cả ngày hôm sau không làm gì được, vì vẫn còn say. Nhưng giải chỉ có mỗi một ngày, mấy hôm sau sân tennis lại lác đác người chơi. Chúng tôi lại phải tổ chức giải khác, lại mời một câu lạc bộ khác vào chơi. Thế là từ đấy, tuần nào cũng có giải.

Một tháng sau, gia đình các hội viên Câu lạc bộ tennis bắt đầu lục đục. Trước đây, vào cuối tuần, các ông bố thường ở nhà chơi với con hoặc đi thăm gia đình nội ngoại hay đưa vợ đi mua sắm..., nhưng nay mấy món này bị cắt. Thứ bẩy đánh giải và liên hoan, còn chủ nhật phải nghỉ ngơi cho lại sức. Khánh lại triệu tập anh em: "Tổ chức giải kiểu này không ổn, anh em ạ! Không khéo gia đình tan nát chứ chẳng chơi. Ta phải nghĩ cách khác!" Chúng tôi ngẫm nghĩ một lát, có thằng phát biểu: "Hay ta đặt tranh giờ chơi bên sân cầu lông?" Chung cư chúng tôi có quy định, ai muốn sử dụng sân cầu lông hoặc tennis, thì phải đặt trước qua ứng dụng của chung cư. Ai nhanh tay đặt thì được dùng, chậm thì nghỉ. Tuy nhiên, nếu ai đặt sân rồi mà không chơi, thì sẽ bị khoá ứng dụng, về sau không được phép đặt sân nữa.

Lúc đầu, chúng tôi áp dụng phương pháp đó rất thành công, làm cho bọn pickleball không có sân để chơi, phong trào pickleball hơi trùng xuống.  Tuy nhiên, chúng tôi lại gặp vấn đề. Bởi vì đặt sân thì bắt buộc phải chơi, nên chúng tôi mỗi ngày phải cử vài thằng sang đánh cầu lông ở bên đó. Thế là, sân tennis đã vắng, lại càng vắng. Độ hai tuần sau, chúng tôi không chịu được nữa, đành phải bỏ cái kiểu chơi bẩn ấy. Bên pickleball trở lại bình thường.

Trong Câu lạc bộ, có một anh lớn tuổi, anh này lắm mưu nhiều kế. Mấy hôm sau, anh ta bảo: "Anh thấy, bọn pickleball rất nhiều gái trẻ, xinh, ăn mặc lại hở hang. Bây giờ, ta đi tung tin có mấy vụ cặp bồ, các bà vợ sẽ cấm các ông chồng xuống chơi là giảm đi được một đống "pick" thủ đấy!" Chúng tôi đồng ý. Thế là từ hôm đó, bọn Câu lạc bộ tennis chúng tôi đi khắp nơi, phao tin đồn nhảm. Kiểu như anh A cặp với chị B, chị A lại cặp với anh C, rồi em này đang thích anh kia... Hai tuần sau, kết quả ngay, sân pickleball vắng hoe vắng hoắt, chỉ toàn trẻ con chơi. Thế nhưng, với tinh thần thể thao mãnh liệt, hơn nữa tin đồn không căn cứ chẳng tồn tại được lâu, nên chỉ vài tuần sau bên pickleball đã có phương án xử lý. Vì có hai sân, nên họ chia ra, nữ một sân, nam một sân. Các anh không liên quan gì đến các chị nữa. Chúng tôi lại bắt đầu lo!

Cứ thế, cứ thế... Chúng tôi nghĩ hết mưu hèn này đến kế bẩn khác, để triệt hạ hội pickleball. Thế nhưng, hội viên pickleball ngày một nhiều, còn tennis ngày càng ít. Tâm lý bầy đàn tồn tại khắp mọi nơi, thể thao cũng không phải là ngoại lệ. Cuộc chiến giữa pickleball và tennis đang tiếp diễn, chưa có hồi kết. Có thể mấy năm sau, chúng tôi không được chơi tennis hoặc không ai chơi pickleball nữa!

                                                                    HN, 22/11/2024
                                                                            N.K.H. 

X30

X30 là một siêu điệp viên. Gã chưa từng thất bại phi vụ nào. Lần này, gã được phái đến nước láng giềng. Nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản: chụp ...